Từ năm 2017, Cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung Quốc đã gây ra hiện tượng dư cung tại Trung Quốc, một lượng rất lớn nhôm định hình bị tồn kho vì không thể xuất khẩu sang Mỹ. Và lượng lớn Nhôm Trung Quốc chuyển tải sang Việt Nam để tiêu thụ. Điều này đã gây ảnh hưởng nặng nề cho các doanh nghiệp sản xuất nhôm Việt Nam, nhiều doanh nghiệp mất đi thị phần, sản lượng giảm 40-50%; máy móc “đắp chiếu”, công nhân mất việc làm…
Để giải quyết khó khăn này, các doanh nghiệp sản xuất nhôm định hình đã thống nhất thành lập Hội những nhà sản xuất Nhôm thanh định hình để bảo vệ nền sản xuất và thị trường trong nước. Đến nay, Hội Nhôm thanh định hình đã có 40 doanh nghiệp thành viên, sản lượng chiếm 65% tổng sản lượng nhôm định hình trên cả nước.
Hội Nhôm thanh định hình đã tích cực tham gia xây dựng chính sách pháp luật cho ngành nhôm. Hiệp hội đã có những kiến nghị chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, kiến nghị giảm thuế xuất khẩu nhôm thanh định hình từ 5% xuống 3% nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, góp phần tháo gỡ khó khăn trước mắt cho các doanh nghiệp; đồng thời, tham gia cùng các cơ quan chức năng góp ý xây dựng các văn bản pháp quy.
Nhằm ngăn chặn tình trạng nhôm Trung Quốc tràn sang Việt Nam, ngay từ năm 2018, Hiệp hội đã lập hồ sơ kiến nghị Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) điều tra bán phá giá đối với nhôm thanh định hình có xuất xứ từ Trung Quốc. Sau khi điều tra, ngày 28/9/2019, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2942/QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm nhôm có xuất xứ từ Trung Quốc với mức thuế trong khoảng từ 2,49% đến 35,58%.
Hội cũng đã tích cực triển khai xây dựng Bộ tiêu chuẩn ngành nhôm dựa trên tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) và các tiêu chuẩn mới nhất của thế giới; triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng chính sách giá, cũng như chính sách phát triển ngành nhôm Việt.
Để ngành nhôm định hình phát triển bền vững trong tương lai, Phó Chủ tịch Hội Nguyễn Hồng Thắng cho biết, Hiệp hội sẽ tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến, hiến kế cho Chính phủ, các Bộ, Ban, ngành để phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là tham gia xây dựng các bộ tiêu chuẩn chất lượng; kiến nghị và xây dựng những chính sách về thuế, hải quan, thương mại, chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế… nhằm tạo một sân chơi bình đẳng, hướng tới thị trường nhôm cạnh tranh lành mạnh, ổn định, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng; xây dựng ngành nhôm có công nghệ tiên tiến, hiện đại, nâng tầm nhôm Việt, vươn ra thế giới.
TT ngày 25/9/2020
Nguồn: Doanh nhân Đất Việt