• +84 93 649 7218
  • nammt@sbsvietnam.vn
  • Chọn ngôn ngữ:

Ngày 15-01-2021, Tổng kết ngành nhôm năm 2020

Ngày 15/01/2021, tại Văn phòng trung ương Hội, Hội nhôm thanh định hình Việt Nam đã có buổi làm việc với Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công thương về tình hình xuất nhập khẩu của ngành Nhôm Việt Nam năm qua.

Về phía Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công thương: Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục Trưởng là trưởng đoàn và chủ trì buổi làm việc. Về phía Hiệp hội có Đại diện lãnh đạo Hiệp hội do ông Nguyễn Minh Kế – Chủ tịch Hội là trưởng đoàn, ông Vũ Văn Phụ – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, ông Nguyễn Hồng Thắng Phó Chủ tịch Hội và đại diện một số doanh nghiệp thành viên có hoạt động xuất nhập khẩu tham dự buổi làm việc (MienHua, Ngọc Diệp, Hyundai, Đô Thành.

Phó Chủ tịch Hiệp hội, ông Vũ Văn Phụ đã báo cáo sơ bộ về tình hình sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu của ngành Nhôm năm 2020. Theo đó, bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp ngành Nhôm, Hiệp hội cũng nhận được những hỗ trợ tích cực từ phía các cơ quan chức năng trong việc tư vấn, hỗ trợ kịp thời góp phần giúp ngành Nhôm ổn định, vững bước trước tình hình cạnh tranh thị trường đang ngày càng khốc liệt.

Hiệp hội nhận định những thuận lợi và những khó khăn chồng chất của năm 2020 mà các doanh nghiệp đã vợt qua; đầu năm thì nguồn cung nguyên vật liệu bị đứt gãy, cuối năm thì khan hiếm và khó khăn khi nhâp khẩu nhôm nguyên liệu… Hiệp hội kiến nghị các Bộ ngành có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành Nhôm Việt Nam: rà soát áp lại thuế chống bán phá giá nhôm có xuất xứ Trung Quốc, giảm thuế xuất khẩu, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn và phát hiện các hoạt động buôn lậu, trốn thuế, lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa nhôm vào Việt Nam.

Đoàn công tác cục Xuất nhập khẩu do ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng làm trưởng đoàn (ngồi giữa)

Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi thông tin về tình hình xuất nhập khẩu ngành Nhôm, tình hình thị trường quốc tế và chính sách của các bên liên quan:

– Cục Xuất nhập khẩu và Hiệp hội cảnh báo các doanh nghiệp cần lưu ý khi hợp tác với các doanh nghiệp FDI để xuất khẩu nhôm định hình sang EU và các nước khác. Hiện nay, EU đang điều tra gian lận xuất xứ đối với nhôm nhập khẩu từ Việt có dấu hiệu lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

– Các thủ đoạn để gian lận xuất xứ đang ngày càng tinh vi hơn. Một số doanh nghiệp FDI đang âm thầm mua lại các doanh nghiệp yếu kém trong nước rồi nhập nhôm định hình về rửa nguồn, gắn mác “made in Vietnam” để xuất khẩu. Biểu hiện rõ nét nhất là lượng hàng xuất khẩu gia tăng đột biến và ở các công ty này thường có dấu hiệu nguồn vốn đầu tư không rõ ràng. Để phát hiện các đơn vị gian lận này, cơ quan chức năng rất cần sự tham gia của Hiệp hội và các doanh nghiệp để cùng nhau bảo vệ uy tín của ngành nhôm Việt Nam.

– Nguyễn Hồng Thắng Phó Chủ tịch Hội, đại diện cho Công ty MienHua đã so sánh lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế: Doanh nghiệp Nhôm Việt Nam đang chịu nhiều thiệt thòi, gần nhất là so với Nhôm Trung Quốc. Trong khi Nhôm định hình Trung Quốc xuất khẩu được hoàn thuế VAT 13% và miễn thuế xuất khẩu thì nhôm định hình Việt Nam phải chịu thuế xuất khẩu tối thiểu 5%. Dẫn đến sức cạnh tranh giảm sút trầm trọng, khó tìm được đối tác và không khuyến khích được các doanh nghiệp xuất khẩu. (lượng nhôm xuất khẩu của cả nước chỉ dưới 10% sản lượng và tập trung ở một số doanh nghiệp FDI).

– Đối với thị trường Mỹ: Hiện nay Mỹ áp thuế chống bán phá giá ở mức rất cao đối với một số sản phẩm nhôm. Nhưng đa số các sản phẩm nhôm của Việt Nam xuất sang thị trường này không thuộc mã bị áp thuế cao nên vẫn duy trì được hoạt động xuất khẩu trong năm qua.

Lãnh đạo Hiệp hội Nhôm và đại diện một số doanh nghiệp thành viên có hoạt động XNK

– Về logicstic: trong vài tháng qua chi phí xuất khẩu tăng lên rất nhiều lần khiến cho nhiều đơn hàng của doanh nghiệp đã ký kết trước đó bị đội chi phí lên nhiều lần, doanh nghiệp xuất khẩu bị lỗ trầm trọng. Nếu trước đây, chi phí bình quân xuất hàng đi Hàn Quốc là 25 usd/tấn thì nay đã lên trên 1.000 usd/tấn; xuất sang EU đang từ 2.000 usd/tấn đã tăng lên 10.000 – 10.500 usd/tấn. Hiệp hội và các doanh nghiệp kiến nghị cơ quan chức năng có sự can thiệp, hỗ trợ kịp thời cho đơn vị xuất khẩu, tránh hiện tượng “đục nước béo cò”. Cục Xuất nhập khẩu cho biết: Chính phủ vừa có văn bản (ngày 14/01/2021) chỉ đạo các Bộ Công thương, Giao thông Vận tải, Tài chính và các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh nguyên nhân gia tăng đột biết chi phí logicstic hiện nay, ngoài vấn đề do tác động của thị trường cung – cầu thì có hay không sự cố tình nâng giá để chuộc lợi trong bối cảnh hiện nay.

Cục Xuất nhập khẩu: ghi nhận những kết quả hoạt động tích cực của Hiệp hội, đặc biệt là những nỗ lực của các doanh nghiệp ngành Nhôm; Chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp đã trải qua trong năm 2020; Đề nghị hiệp hội duy trì hoạt động trao đổi thường xuyên với Cục XNK và Bộ Công thương để kịp thời có những thông tin hữu ích cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, Hiệp hội cần phát huy vai trò dẫn dắt doanh nghiệp, sớm đưa ra các kiến nghị chính sách phù hợp để bảo vệ nền sản xuất và thị trường trong nước thông qua các hoạt động tự vệ thương mại, chống bán phá giá…

Hội nhôm thanh định hình Việt Nam: trân trọng cảm ơn sự quan tâm của các các cơ quan chức năng trong đó có Cục Xuất nhập khẩu. Kiến nghị các cơ quan quan tâm đến nền sản xuất trong nước trong đó có ngành Nhôm Việt Nam; xem xét kiến nghị giảm thuế xuất khẩu nhôm định hình; có giải pháp cụ thể, thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp trong khâu logicstic để mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu./.

TT ngày 15/1/2021

Nguồn: Hiệp hội nhôm thanh định hình Việt Nam